Lấp lánh sắc gốm Bát Tràng


Xã hội phát triển, đổi thay bước đi trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Đây đó, trên mảnh đất Việt thân thương, vẫn còn lưu lại nhiều làng quê với những làng nghề đặc sắc góp phần tô điểm cho sự đa dạng, phong phú của văn hóa dân tộc.
 Một trong những làng nghề được lưu danh đó là làng gốm Bát Tràng, với những sản phẩm tinh tế, sống động, đầy ắp hơi thở quê hương.


Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo các cụ cao niên kể lại: có nhiều giả thuyết về sự ra đời của làng gốm Bát Tràng, trong đó có một số giả thuyết đáng được quan tâm là làng được hình thành từ thời Hậu Lê, từ sự liên kết chặt chẽ giữa 5 dòng họ làm gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát như Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm với họ Nguyễn ở đất Minh Tràng.



 Các mặt hàng gốm men ngọc, men hoa lan, men rạn của Bát Tràng rất đặc biệt, không lẫn với gốm xứ Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh… Để làm ra đồ gốm, người thợ gốm phải trải qua nhiều công đoạn như chọn đất, xử lý, pha chế đất, tạo dáng, hoa văn, phủ men, cuối cùng là nung sản phẩm…


Người thợ gốm quan niệm sản phẩm gốm không khác nào một cơ thể sống, có sự kết hợp hài hòa của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và trong đó còn mang cả yếu tố tinh thần, sự sáng tạo của con người. Tất cả hòa vào nhau để tạo nên sản phẩm gốm Bát Tràng đặc biệt, hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã, cùng với sự tinh tế của hồn người. 

Để có sức sống đầy xuân sắc như hôm nay, người Bát Tràng ngoài cái nhạy bén, tinh tế còn tiềm ẩn tình yêu da diết với nghề gốm quê hương. Họ đã lao động không mệt mỏi để tạo nên một thế giới đa dạng, sống động lấp lánh sắc màu từ nắm đất quê hương.