Bức tranh cổ "TRÚC LÂM ĐẠI SĨ XUẤT SƠN ĐỒ"

Trịnh Quang Vũ

Trong lịch sử nước ta có một số bức tranh cổ gần 700 năm thời Trần được viết trong cuốn Lược sử Mỹ thuật Việt Nam năm 2001, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin: Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ dài 3,1m, rộng 0,4m. Bức tranh cuộn Họa thư cổ này có một sức sống mãnh liệt tồn tại qua nhiều giai đoạn lịch sử chiến tranh khốc liệt, qua nhiều triều đại còn lại đến ngày nay là báu vật lưu hi hữu trên đời của Đại Việt.

Voi chở kinh và các thiền sư Ấn Độ

Bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ với nội dung về vua Trần Nhân Tông dời núi Vũ Lâm được Trần Giám Như vẽ năm 1363, nay được lưu giữ tại bảo tàng Liêu Ninh -Trung Quốc. Do thời buổi kinh tế thị trường, công ty đấu giá quốc tế Poly (Bảo Lợi – Bắc Kinh) tổ chức đấu giá các tinh phẩm thư họa, trong đó có bức Trúc Lâm Đại sĩ (nguyên do một công ty ở Bắc Kinh năm 2006 phối hợp với Bảo tàng Liêu Ninh phục chế những kiệt tác mỹ thuật trong cố cung triều Thanh để triển lãm năm 2006). Tuy là bản phục chế nhưng đã được mua với giá cao bất ngờ 1,8 triệu USD gây chấn động, xôn xao nhất là đối với các nhà nghiên cứu. Ông Lý Bách Lâm Phó viện trưởng Viện nghiên cứu thư họa Trung Quốc hoàn toàn bị bất ngờ. Ông cho là “hiện tượng phi lý tính”, đấu được giá bất thường, rất cao ngoài dự liệu. Chủ nhân mua bức họa phẩm này giữ kín tên để bảo vệ bức tranh.


Giá trị nghệ thuật bức tranh Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ


Bức tranh cuộn theo lối hiện thực, cụ thể Vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông tu ở động Vũ Lâm dời núi. Bố cục tranh gồm 2 trường đoạn:

Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất núi

Trường đoạn 1: Trúc Lâm đại sĩ xuất núi. Ngài ngồi trên kiệu võng đốt trúc đã xuống tóc, tuổi trạc 50, trán cao, mày dài, ánh mắt sáng ngời thông tuệ, nhân từ, ngồi tọa thiền, mặc áo cổ tràng vạt, tay phải lần tràng hạt, xung quanh có đoàn tùy tùng, kẻ vác lọng tết bằng lá cọ, người gánh theo bộ đồ uống trà, kẻ cầm gậy long trúc, các nhà sư người Hồ mặc áo trật vai, thiền phái Nam tông, có hạc dẫn đường. Theo phía sau là đạo sĩ Lâm Thời Vũ cưỡi “đâu tử”, người tâm giao với Đại sĩ. Các lão sư người Hồ dung mạo khác thường, đầu hói, râu quai nón, dáng điệu thanh nhã, khoan thai, người cầm tích trượng, người bưng sách kim sách, đặc biệt có vị đại sư kém mắt được dẫn qua cầu đá, gió lộng thổi bay áo thiền, làm lộ rõ đôi vòng bạc ở cổ chân nơi Ấn Độ xa xôi, tất cả đều đi chân không. Theo đoàn có voi trắng chở kinh, trang hoàng lộng lẫy cầu kỳ với đôi ngà cong dài, các dải ruy băng trang trí gắn các hạt châu, hoa cúc, đỉnh đầu voi trắng có gắn hình hoa sen cách điệu và chạm mặt trời. Trên lưng voi phủ thảm xứ Ba Tư, trên đặt bành voi hai tầng, chạm khắc hình trang trí rộng, các giao điểm ruy băng gắn hoa cúc to treo 37 chao lông, lục lạc, chuông đồng rất mĩ lệ. Cách trang trí thời Trần mang đặc điểm mỹ thuật Đại Việt phong cách Đông Nam Á, rất giống với trang trí voi ở Thái Lan, Campuchia, Myanma ngày nay. Nền tranh mây núi chập chùng, xa xa sông Ngô đồng lấp lánh, sóng vỗ, bờ sông dập dờn hoa lau, cây ngô đồng, thông già trơ gốc…

Đạo sĩ Lâm Thời Vũ cùng đoàn chuyển kinh

Trường đoạn II: Vẽ quan tứ trụ triều đình đứng tiền trạm, hoàng đế Trần Anh Tông nghênh đón vua cha cùng bách quan, quân lính mang kiệu, lọng, voi ngựa, rước phật hoàng về kinh đô trước khi ngài ra Yên Tử. Tranh vẽ đoàn người dài có nhịp điệu, vẽ rất chi tiết về nghi chế nghênh đón của thời Trần: kiệu lọng ba tầng tay ngai chạm trổ hình rồng mây thời Trần, các nét chạm khắc tầng lớp, ô hộc tỉ mỉ, ngai tựa hình lá đề. Các loại đòn khiêng, kiệu mái, kiệu võng đều chạm rồng mây. Đặc biệt ngai kiệu hoàng đế trang trí dầy đặc ba tầng, tua lọng ngai to lớn, thắt quả bồng có hình lá đề kép cùng đôi tay ngai chạm rồng mây. Xung quanh là các võ sĩ khiêng kiệu đội mũ lục lăng, quân cẩm y vệ cầm thiết chùy, côn, thiết giản đứng hầu cùng con bạch mã thắng yên cương, trên phủ một tấm gấm lớn. Một nội thị đòn gánh chạm rồng mang theo lò đun nước pha trà theo đoàn tùy tùng.

Hoàng đế Trần Anh Tông nghênh đón Phật Hoàng

Trong bức tranh lịch sử này họa sĩ đã thể hiện rất rõ về hình ảnh trang phục thời Trần (Đại Việt sử ký toàn thư). Hoàng đế Anh Tông nét mặt nghiêm cẩn, dáng vóc đường bệ, buộc khăn trên búi tóc bỏ núi phía sau, áo hoàng bào kép 5 thân tay thụng, cổ tròn hai lớp, quần dài chân đi giày cao cổ. Bách quan mặc áo gấm tía tay thụng, mũ chữ đinh kiểu lục lăng, có tai mũ quấn cong ra sau, đi giầy da. Các quân cẩm y vệ (thân quân) vác bảo kiếm hộ vệ, một đại quan vác thượng phương bảo kiếm đứng hầu.

Kiệu lọng ba tầng tay ngai chạm trổ hình rồng mây thời Trần

Bố cục toàn bức tranh diễn tả phong cảnh thiên nhiên Ninh Bình hùng vĩ, với các dãy núi cao xa mờ, mây vờn núi, đoàn người ven theo đường nhỏ, vách núi dọc theo sông Ngô Đồng có nhiều loại cây cỏ, hoa lá tươi tốt xum xuê. Bên đường những cây Ngô đồng, thông già, cây sưa cổ thụ, gốc rễ xù xì, với những thân cây nghiêng ngả, trơ cành cùng những khóm trúc ngả nghiêng theo gió cuốn theo rực rỡ, hoa cỏ xứ nhiệt đới phương Nam. Họa sĩ là người rất am hiểu, quen thuộc thiên nhiên Vũ Lâm, nên đã miêu tả những nhân vật trong tranh cùng với phong cảnh Vũ Lâm, dưới nét bút thần diệu phong cách đồ họa Việt, có đường nét viền là chủ yếu khi vẽ trúc, vẽ đá khác với lối thủy mặc của Trung Quốc là đậm nhạt hòa cùng, tạo nét chấm phá (không có đường viền ngoài) tạo mảng trong không gian. Cách vẽ đường viền từ diễn tả cây, hoa lá, dáng điệu người cùng voi, ngựa, kiệu võng cho thấy rõ ràng, đường nét hình mạnh, liên tục chuẩn mực làm rõ chi tiết trang trí Việt cổ.

Ngai kiệu hoàng đế trang trí dầy đặc ba tầng

Động Vũ Lâm căn cứ chỉ huy cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Năm Giáp Ngọ Hưng Long thứ 7 (1294) Đại sĩ về thăm lại Vũ Lâm- Bích động. Năm sau (1295) Đại sĩ về lại Động Vũ Lâm tu hành, Ngài đã làm bài thơ “Vũ Lâm thu vãn”. Bài thơ đó như sau:
Hoa kiều đảo ảnh trám khê hoành
Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh
Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc
Thấp vân như mộng viền chung thanh
Nghĩa là:
Lòng khe in ngược bóng cầu hoa
Hắt sáng bờ khe vệt nắng tà
Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ
Mây giăng như mộng tiếng chuông xa

(PGS- TS Trần Thị Băng Thanh dịch (thơ văn Lý Trần)

Hình ảnh thơ Vũ Lâm thu vãn của Phật hoàng đã được họa sĩ sáng tác từ cây cầu đã bắc qua bờ khe của sông Ngô Đồng ở hành cung lúc chiều tà, non nước rơi đầy lá đỏ, nghe tiếng chuông chùa Sở ở Văn lâm do vua Trần Thái Tông xây. Thời Thái Tông đã cho mở bến thuyền, gọi là bến Thánh, phía trái sông Ngô Đồng nơi hai trái núi đứng sát bờ sông. Núi đứng bên còn gọi là Bến Thánh. Năm Bảo Phù (1273-1278) vua Trần Thái Tông cho xây cung điện Thái Vi. Phong cảnh thiên nhiên ở động Vũ Lâm tuyệt đẹp đã được họa sĩ vẽ làm nền tranh, bố cục khéo léo, tạo nhịp điệu sống động khi Trúc Lâm đại sĩ xuất núi trở thành một họa phẩm lịch sử đầy ấn tượng, chuyển tài nhiều thông điệp văn hóa của thiền phái Trúc Lâm ban đầu. Những nhân vật lịch sử: Phật hoàng Trần Nhân Tông, đạo sĩ Lâm, các nhà sư người Hồ, vua Anh Tông cùng đoàn tùy tùng nghênh đón, cho ngày nay thấy rõ cụ thể di ảnh lịch sử của quá khứ, từ trang phục, nghi chế, quân lính, voi ngựa cách đây ngót 700 năm là vô cùng quý giá. Bức tranh đã được đánh giá cao ở Trung Quốc là báu vật thư họa lưu giữ trong cố cung nhà Thanh và bảo tàng Liêu Ninh. Điều đó càng chứng minh giá trị về tranh đề tài lịch sử được lưu giữ bằng hội họa của mỹ thuật Đại Việt thời Trần. Hiện nay, đền Thái vi còn bia dựng năm Vĩnh Thịnh 11 (1715) thời Lê Trịnh viết: “Nơi đây sơn thủy hữu tình, quả như Bồng Lai xuất hiện. Vua cho xây cung điện, thập phương noi theo. Phía phải, suối khe khuất khúc, nước bạc lấp lánh. Phía trái núi non trùng điệp đã xếp chênh vênh… đẹp tựa thiên đình”.


Những bí mật chìm nổi của bức họa thư Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ

Nguồn gốc xuất hiện của bức họa thư tàng ẩn nhiều bí mật của lịch sử.
Cuối thế kỷ XIII, quân Mông Cổ đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn, quân Tống đại bại. Tả thừa tướng Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày có đến hơn 10 vạn xác chết trôi nổi trên mặt biển. Xác vua Tống cũng có trong số đó (Đại Việt sử ký toàn thư trang 45 tập II). Hốt Tất Liệt diệt xong nhà Nam Tống đặt ách thống trị trên toàn Trung Hoa lập ra nhà Nguyên. Trong cảnh mất nước các nho sĩ người Hán bị nhấn chìm dưới đáy xã hội, giới nho sĩ văn nhân thành lập hội tương tế. Nhà Nguyên xếp nhà nho dưới gái điếm (Hội họa cổ Trung Hoa NXB Mỹ Thuật/T140-1993), kẻ sĩ bị bạc đãi. Hội họa Nguyên không có gì đặc sắc. Trong hoàn cảnh đó các tác phẩm hội họa được coi là sản phẩm kiếm sống, khởi sinh ra một phong cách “văn nhân họa” còn gọi là đại phu họa (hội họa của các đại phu). Tuy nhiên, vẫn nổi lên Triệu Mạnh Phủ, sau này có Nguyên tứ gia: Hoàng Công Vọng, Ngô Trấn, Nghê Toản và Vương Mông. Họ đều là người vùng Giang Nam chuyên vẽ Sơn thạch, thủy mặc và trúc thạch mang phong cách ẩn sĩ. Ngoài ra còn hàng chục họa sĩ cũng theo lối này.

Cuối triều Nguyên (giữa thế kỷ XV) nhà Nguyên suy thoái, đại loạn, dân Hán nổi lên chống Nguyên khắp nơi. Từ 1345 có ba cuộc khởi nghĩa chống xâm lược Nguyên lớn là của: Trần Hữu Lượng, Trương Hữu Thành, Chu Nguyên Chương. Năm 1355 Chu Nguyên Chương nổi lên, đến năm 1359 cũng sai sứ sang thông hiếu với Đại Việt. Bấy giờ Chu Nguyên Chương đang cầm cự với Trần Hữu Lượng chưa phân được thua.

Trần Hữu Lượng khởi nghĩa ở Bái Trạch năm 1354. Sau 5 năm khởi nghĩa, tháng 6 năm 1360 Trần Hữu Lượng xưng đế quốc hiệu là Hán, đặt niên hiệu Đại Nghĩa, kinh đô ở Nam Kinh, chiếm cứ một vùng rộng lớn ở Chiết Giang, Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông.
Trần Hữu Lượng là con trai thứ hai Trần Ích Tắc, cháu ruột vua Trần Nhân Tông nên sau khi khởi nghĩa đã có giao hảo với nhà Trần. (Theo Trần gia ngọc phả thì Trần Ích Tắc là con thứ năm vua Trần Thánh Tông, em vua Trần Nhân Tông). Trần Hữu Lượng đã giấu gốc tích, hoàng tộc Việt của mình để khởi nghĩa và có một số nguyên do như sau: Khi Trần Ích Tắc đem gia quyến và quân đội đến đầu hàng nhà Nguyên năm 1295 đã được phong làm An Nam quốc vương. Quân Nguyên xâm lược đưa Ích Tắc về nước đã thất bại, phải chạy về Tầu. Khi Nguyên thế tổ chết (1294) con nối ngôi là Nguyên Thành Tông thấy vai trò lịch sử của Ích Tắc đã hết nên đã hạ chỉ thu hồi ruộng đất đã cấp cho Ích Tắc và đưa về Ngạc Châu. Sự thay đổi đột ngột lớn này đã làm cho đời sống thiếu thốn, con cái li tán. Điều đó đã ảnh hưởng tới Trần Hữu Lượng. Cha con Ích Tắc vẫn có mộng làm vua do thần nhân báo mộng “khi vua Thái Tông sinh Ích Tắc, vụ thần ba mắt từ trên trời xuống nói bị thượng đế quở trách, xin thác sinh là con vua, sau lại trở về phương bắc”.

Trần Giám Như ở Hàng Châu thuộc vùng đất của Trần Hữu Lượng nên mới có thể vẽ tranh ca ngợi vua Trần Nhân Tông vị anh hùng đã hai lần chiến thắng giặc Nguyên xâm lược Đại Việt. Là họa sĩ vẽ chân dung nhưng ông đã sáng tác bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ năm 1363 với ý đồ ca ngợi truyền thống Đông A (Trần) oai hùng để cổ vũ Trần Hữu Lượng khi đã xưng đế được 3 năm. Ông tuy nổi tiếng vẽ chân dung hàng đầu ở Hàng Châu nhưng vẫn giữ kín gốc tích của mình, nên sử liệu thời Nguyên Minh cũng không rõ lại lịch nhưng nói rõ là ngụ cư ở Hàng Châu. Trần Giám Như cũng có quan hệ với Triệu Mạnh Phủ một họa sĩ nổi danh lúc bấy giờ. Ông còn để lại một bức chân dung vẽ danh sĩ nổi tiếng nước Cao Ly (Triều Tiên) là Lý Tế Hiền vẽ năm Nguyên Nhân Tông (1319). Tranh vẽ cả người ngồi trên ghế tựa, áo choàng dài đội mũ tam sơn bên đôn gỗ cao (khổ tranh lớn 1,77mx 0,93m). Ông sống ở Trung Quốc từ năm 1315 đến 1341.

Cuộc tranh hùng của Trần Hữu Lượng với Chu Nguyên Chương bất phân thắng bại trong nhiều năm. Năm 1366 Hữu Lượng đánh nhau với Chu Nguyên Chương ở hồ Phiên Dương. Hữu Lượng bị tên bắn lén chết trận. Chu Nguyên Chương đem quân đến vây thành Vũ Xương. Con Lượng là Trần Lý đầu hàng năm 1366. Năm sau nhà Nguyên mất, Chu Nguyên Chương trở thành Minh Thái Tổ (1367). Bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ đã trở thành báu vật của các hậu duệ Trần lưu lạc ở Trung Nguyên, nhưng lại là đối thủ của Minh Thái Tổ nên bức tranh đã được giấu kín 60 năm sau. Qua hai đời vua đến năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) nhà Minh thịnh trị, đã cướp nước ta.

Lúc này bức tranh được tái xuất hiện do hai chủ nhân tranh được truyền tiếp theo là Trung thư xá nhân Trần Đăng và nhà sư Giao Chỉ  Trần Quang Chỉ (Giao Chỉ học Phật nhân) là hậu duệ nhà Trần.
Trần Quang Chỉ đã có bài tán viết vào dưới tranh để giới thiệu:

“Đại sĩ là con vua Trần Thái Tông, trước khi sinh, vua cha đã mơ thấy Thượng đế ban cho thanh bảo kiếm. Khi sinh, Vua đẹp đẽ thông thái (mỗi ngày có thể đọc vạn lời, khi lớn lên thông tam giáo nhưng yêu thích đạo phật. Vương thông hiểu lịch số, binh pháp, y dược, âm luật, các môn đều thấu hiểu đến chỗ uyên bác. Trong việc trị nước, lấy tinh thần nhân ái để giải quyết mọi việc, lấy lòng thành thực đối đãi với bề tôi, coi họ như tay chân, phủ dụ trăm họ như con ruột, nhẹ hình phạt, thuế mà, giữ chữ tín trong việc thưởng công, phạt tội. Tuổi hơn 40 thì “siêu nhiên”, bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho thế tử, vào động Vũ Lâm tu đạo, mặc áo sư, rồi làm am trên đỉnh núi Yên Tử ở, 6 năm không xuống núi, mặc áo cỏ, ăn lá cây cần khổ tích hạnh chân tu “các độ”. Sau đó trải rộng tính tình ở gò núi đi khắp nơi trong nước, nay các danh sơn thắng cảnh đâu cũng còn lưu dấu vết “trác tích” (tu hành) của người. Bấy giờ có đạo sĩ Lâm Thời Vũ trong nước cùng theo Đại sĩ đi khắp nơi, có lúc viễn du hóa độ lân quốc đến Chiêm thành, khất thực trong quốc đô. Vua nước đó lấy lễ đón mời, đối đãi hết sức kính cẩn, lại sắm sửa thuyền bè, nghi trượng đầy đủ thân hành tiễn về nước. Sau đem đất hai châu cúng dàng nay là hai châu Thuận, châu Hóa vậy. Đến năm sau, đi không ngồi xe, đầu không đội nón, hình dung khô khan, áo bỏ vai lam lũ, người trong nước gặp không ai biết đấy là vua. Thiền Tông của Đại sĩ vốn từ hậu duệ của Thần Hội đời Đường, trong nước chưa phát triển thiền học rộng, đến Đại sĩ thì tông môn đại hưng thịnh, cho nên dòng áo đen một nước suy tôn là sơ tổ…khi nhập thất ngồi ngay ngắn lặng lẽ mà hóa…khi đốt có thần quang ngũ sắc bốc lên, suốt đêm không tan…người trong nước thấy cảm ứng linh thiêng, khắp nơi các chùa đều thờ phụng cúng dâng, cầu đảo đều ứng nghiệm. Sự tích Đại sĩ đã có sách truyền đăng lục ghi chép, người Giao Chỉ có thể truyền đạt. Tôi nhận thấy bức tranh này, dám biểu đạt một vài điều đại quát dưới tranh, may chi mọi người xem được khiến cho công hạnh của Đại sĩ không bị mai một.
Vĩnh lạc năm 18, ngày thượng nguyên năm Canh tý
Người học Phật ở Lô Giang Trần Quang Chỉ
Tích phủ lạy hai lạy kính cẩn ghi... 

Dưới đây là bài ký của Hàn lâm tu soạn Tín lâm lang đồng Tu Quốc sử Long (?) sơn Dư Đỉnh:

"…Trần Quang Chỉ môn đồ Phật giáo người Giao Chỉ mang bức Trúc lâm Đại sĩ xuất sơn đồ yêu cầu tôi viết bài ký này. Xem bức tranh và lời thuật của "lão Chỉ" khảo với An Nam chí lược Lê Tắc đại lược như sau: Đại sĩ nguyên là con của quốc vương An Nam…sau vào động Vũ Lâm khoác áo đen học Thiền, thỉnh thoảng xuất du các danh sơn trong nước, đến tận Chiêm thành rồi về. Ngày thị Tịch đã báo trước cho môn đệ rồi ngồi ngay ngắn mà hóa. Khi thiêu có thần quang mầu tía sáng suốt đêm, xá lị tu được đầy đấu, như thế biết là đã được chứng quả…Nay bức tranh vẽ việc ngài từ động Vũ Lâm xuất du vậy. Đại sĩ cưỡi "đâu tử" còn những người đi theo hầu đều mặc áo bỏ vai (nạp), voi trắng mang kinh đi sau cùng, trước đàn voi có người đội mũ vàng đi xe, đó chính là đạo sĩ Lâm Thời Vũ, người đến đón bên đường là thế tử Giám quốc vậy. Người Nam Giao vẽ, chuyện nhất thời, vui thích truyền xem. Bởi vì thiền hạnh của Đạo sĩ được Nam Giao xưng tụng truyền thuật đã lâu. Trước đây Cồ Đàm là con vị quốc vương đã bỏ ngôi, dứt tình, khổ hạnh tu theo đạo lý "không", bèn lên cõi đại giác, chứng việc quy phật được gọi là Thích ca Mâu ni. Nay chùa chiền trong thiên hạ phần nhiều vẽ sự tích tu hành của ngài để khuyến khích người cõi tục theo về việc thiện. Quả hạnh của Đại sĩ nối được Thích ca mà mở rộng hơn lên, đó là điều người đời ít ai làm được… cho nên tôi viết những dòng này ở bên tả bức tranh mà làm bài kí
Vĩnh Lạc thứ 18 ngày rằm tháng 2 năm Canh Tý.
Hàn Lâm tu soạn Tín Lâm lang đồng tu Quốc sử Khuông sơn Dư Đỉnh ký.

Ông Trần Quang Chỉ còn mang bức tranh đến cho Hàn Lâm thị độc học sĩ phụng huấn đại phu biên tu quốc sử Lô Lăng Tào Quy và nhiều người khác nữa, nhằm ca ngợi Trúc Lâm Đại sĩ, đại lược như sau:

Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn tướng đồ tán

Tích An Nam quốc vương Trần Khâm bỏ ngôi vào động Vũ Lâm tu phật, khi mất thì xá lị của ngài rất khác thường. Người trong nước tin cho là Phật và từ đấy đạo phật hình thành ở Việt Nam… bây giờ có một người tu hành rập đầu lễ quy y đem đến bức tranh này… xem truyền thuyết về đạo phật rất nhiều điều thể hiện rõ các tướng ở trên đời, phàm người ta muốn thấy phật ở tâm, có thể lý giải cũng không nên lời hình thành tu hành tìm phật, không tìm thấy tướng, tất cả đều là chân không.

Vĩnh Lạc năm thứ 18 ngày 12 tháng 12
Hàn lâm thị độc học sĩ phụng huấn đại phu biên tu quốc sử Lô Lăng Tằng Khái thư

Một bài kệ:

Từ vương tự phật lưỡng toàn danh
Tỷ thoát phù vinh nhất giới khinh
Thứu Lĩnh Tổ đăng truyền kỳ diệp
Vũ Lâm thiền ý ngộ tam sinh
Duy trì phạn hạnh minh nam sái
Liễu đạt chư duyên giác hữu tình
Tải đạo an xa tùy xứ ổn
Vĩnh siêu trần kiếp chứng viên minh
Dụ chương Ngô đại tiết


Dịch:

Bỏ ngôi Vua đến Phật hai danh toàn vẹn
Vứt bỏ phù vinh như vất chiếc dép
Ngọn đèn tổ truyền mấy đời
Vũ Lâm bậc trí tuệ ngộ được ba kiếp
Nối tiếp hạnh của Phật sáng rõ chế độ
ở nước Nam
Giác ngộ hiểu được tình con người
Xe êm chở đạo đến nơi nào cũng ổn
Mãi mãi vượt lên kiếp của cõi trần
Dụ chương Ngô đại tiết

(Dịch PGS- TS Trần Thị Băng Thanh)

Bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ được ông Trần Quang Chỉ mang đến cho ông Dư Đỉnh xem năm Vĩnh Lạc 18 (1420) còn tiếp tục được nhiều danh sĩ ca ngợi nối tiếp, kết thúc vào năm Quý Mão đông chí niên hiệu Vĩnh Lạc 21 (1423). Bài thơ tán của Dự Chương Ngô đại tiết. Tranh được truyền lại qua hậu duệ nhà Trần ở "Trung Quốc gốc Việt", đã được Hạng Nguyên Biện, một nhà sưu tầm thư họa nổi tiếng đời Minh lưu giữ coi là báu vật hiếm có. Sang triều Mãn Thanh bức Trúc Lâm đại sĩ còn được lưu giữ trong cố cung, trở thành báu vật quốc gia được vua Càn Long giao cho nghiên cứu (Thạch từ bi kíp). Trên tranh có nhiều ấn chương qua các triều vua như Càn Long, Gia Khánh, Tuyên Thống. Đầu thế kỷ XX, Hoàng đế Phổ Nghi tuy đã thoái vị nhưng vẫn còn bị giam lỏng ở trong Tử Cấm Thành, ông đã lấy "tuồn" ra ngoài 1300 báu vật quốc bảo, trong đó có cả bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ này. Các bảo vật lưu lạc trong chiến tranh, đến năm 1949 số báu vật này đã được sưu tầm lưu giữ tại bảo tàng Đông Bắc (nay là bảo tàng Liêu Ninh- Trung Quốc).

Bức tranh kiệt tác này khi còn lưu lạc trong dân gian thời Minh đã có nhiều người biết đến và đã được ca ngợi về phong cách nghệ thuật phương nam của Đại Việt. Những mô típ thể hiện trong tranh khác lạ phong cách trang trí voi ngựa, lọng kiệu của vùng Đông Nam Á đã được nhà điêu khắc nổi danh Trình Quân Phòng chuyển di ảnh bức thư họa sang phù điêu trang trí nghiên mực, loại "văn phòng tứ bảo" của cung đình, danh sĩ. Hiện nay, còn lưu lại nhiều nghiên mực bằng đá chu sa đời Minh Vĩnh Lạc 1402-1424 đến Minh vạn lịch 1620 chạm khắc lại hình ảnh của tranh Trúc Lâm đại sĩ nhiều mặt của nghiên mực làm cho nghiên mực trở thành những tác phẩm điêu khắc quý giá. Sức lôi cuốn của tranh còn được các họa sĩ triều Thanh vẽ lại trong đồ gốm sứ khi chế tác nghiên mực gốm sứ đời Thanh Càn Long (1737-1796). Những hình ảnh tiêu biểu về voi ngựa, trang trí, trang phục được các nhà làm mỹ thuật rất tôn trọng về tạo hình sông núi, trong một bố cục mới sáu mặt khéo léo, giữ được tinh thần của tranh Trúc Lâm đại sĩ của Đại Việt.

Trên đây là những nghiên cứu bước đầu, thông qua một số tư liệu thư tịch cổ đặc biệt là những bài tán, bài kệ được sự giúp đỡ quý báu của PGS- TS Trần Thị Băng Thanh dịch ra để tìm hiểu về các lời bình liên quan đến bức tranh này đã tồn tại ngót 700 năm và dài tới 9m này. Công việc tìm hiểu tiếp cận với họa phẩm gốc là vô cùng cần thiết và cần có thời gian dài ở phía trước.

Bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ vẽ anh hùng dân tộc vị hoàng đế đã hai lần chiến thắng quân Mông Cổ. Ngài đã thoát tục, tu hành trở thành Phật hoàng và lưu truyền ở Trung Hoa là điều hiếm thấy.

Thời Trần hội họa rất phát triển. Tranh vẽ chân dung, vẽ tranh phong cảnh, tranh quạt, tranh bình phong rất phổ biến. Sau chiến thắng quân Mông Cổ năm 1289, các tướng lĩnh có công xông lên trước phá trận giặc, lập kỳ công đều được chép vào tập Trung hưng thư lục để vẽ chân dung. Vua Nhân Tông, Anh Tông đều vẽ giỏi, quan tâm đến chước thuật nhưng viết được gì, vẽ được gì kể cả tập thơ Thủy vân tùy bút, trước khi mất cũng đốt đi (ĐVSKTT/103/TII). Tranh vẽ bình phong ca ngợi thiên nhiên của Phạm Mai, Trần Quang Triều vẽ quạt có đề thơ của Liêu Nguyên Long:

Khéo vẽ nên tranh cảnh nước Nam
Khô cỏ bồ mượt quán Tân An
Gió mát trăng thanh đầy năm tháng
Khắc khoải chim kêu dặng trúc ngàn
(Việt Nam cổ văn học sử- Nguyễn Đổng Chi)

Mỹ thuật thời Trần còn để lại nhiều chạm khắc vũ nữ dâng hoa chùa Thái Lạc, nghệ thuật vẽ tiền Thông bảo Hội sao thời Vua Trần Thuận Tông (1390-1398) tờ 10 đồng vẽ rồng, 3 tiền vẽ lân, 5 tiền vẽ phượng, 1 quan vẽ rồng. Tiền giấy ở nước ta là loại tiền xuất hiện sớm trên thế giới từ thế kỷ XIV. Bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ là một kiệt tác mỹ thuật đã phản ảnh những tư liệu cổ xưa quý giá bằng hình ảnh về nghi chế, trang phục, kiệu lọng, voi ngựa thời Trần. Những hình ảnh này giúp chúng ta hiểu rõ cụ thể dựng lại những phim lịch sử, vẽ tranh giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến.

-------------
Bài đăng trên tạp chí Mỹ thuật số 242, 243 (2,3/2013)

Không có nhận xét nào: