Bát Tràng, Truyền Thống Liên Tục

Nhà biên khảo Bùi Ngọc Tuấn


Song song với sự phát triển của đồ gốm Chu Đậu là đồ gốm Bát Tràng. Khởi đầu từ thế kỷ 14, gốm Bát Tràng là truyền thống nối dài từ đồ gốm Thanh Hóa, nên Bát Tràng giữ một địa vị rất quan trọng trong nghệ thuật đồ gốm Việt Nam. Một số lớn đồ gốm cổ được sưu tập ngày nay như các bình ấm, bát đĩa, men nâu, men trắng từ đời Trần, Lê, Mạc có thể chính là đồ gốm do làng Bát Tràng sản xuất.
Làng Bát Tràng cổ nằm ở bên bờ sông Hồng, ngay ở Gia Lâm, ngoại ô Hà Nội hiện nay. Làng Bát Tràng bây giờ nằm ngay trên bãi sông Hồng bên ngoài bờ đê, đất chật, đường ngõ hẹp, ngoắt nghéo, không có vườn cây và bụi tre, hầu hết đất đai được dùng làm nhà ở, sân phơi, lò nung, bãi chứa nguyên liệu…Dư Địa Chí (viết xong năm 1435) của Nguyễn Trãi chép: “Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Huê Cầu thuộc huyện Văn Giang, hai làng ấy cung ứng đồ cống Trung Quốc là 70 bộ bát đĩa, 200 tấm vải thâm” (Bát Tràng làm đồ bát chén, Huê Cầu nhuộm vải thâm). Làng Bát Tràng có từ đời xưa, dù sử không chép, nhưng chắc Bát Tràng đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển đồ gốm đời từ đời Lý hay trước đó.

Tục truyền vào đời Lý, Hứa Vĩnh Kiều (hay Cảo), Đào Trí Tiến, Lưu Phương Tú (hay Lưu Vĩnh Phong) đi sứ nhà Tống, trên đường về học thêm được các nước men mầu về Việt Nam truyền dậy, Hứa Vĩnh Kiều truyền cho Bát Tràng nước men trắng, Đào Trí Tiến truyền cho Thổ Hà nước men đỏ, Lưu Phương Tú truyền cho Phù Lãng nước men vàng thẫm), như vậy dân các làng này vốn đã làm đồ gốm từ trước đó rồi, nay chỉ thêm các mầu men khác mà thôi.
Đồ gốm Bát Tràng có thể xuất phát từ Thanh Hóa với những người gốc vùng này theo Lý Thái Tổ dời đô vào Thăng Long năm 1010 (như dòng họ của Nguyễn Ninh Tràng) mang nghề gốm vào lập nên làng Bát (tên cổ của Bát Tràng). Ở Thanh Hóa có làng Bồ Xuyên và trang Bạch Bát chuyên làm đồ gốm từ thời cổ, như trong câu đối còn ghi lại ở đình làng Bát Tràng:
Bồ di thủ nghệ khai đình vũ
Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần

Dịch nghĩa: 
(Nghề từ làng Bồ ra, khởi dựng đình miếu
Lòng thành như hương lan, cúng tạ thánh thần)
(theo Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Ngọc – Gốm Bát Tràng Thế Kỷ XIV – XIX, nxb Thế Giới, Hà Nội 1995)

Cùng với Chu Đậu và các nơi chuyên làm đồ gốm khác, Bát Tràng đã là một trung tâm sản xuất đồ gốm lớn, cung ứng cho thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Đồ gốm Bát Tràng được xuất cảng sang Nhật Bản, Đông Nam Á và nhiều nơi khác. Vào thế kỷ 17, các hãng buôn tây phương thường ghé Việt Nam để mua hàng chuyển sang các nước khác, trong đó đồ gốm và đồ gốm Chu Đậu, Bát Tràng… góp phần lớn. Trước đó là các tầu buôn Nhật Bản mua hàng về nước.
Mặc dù Bát Tràng nổi tiếng về gạch, nhưng thật ra đó chỉ là phó sản của lò gốm. Những viên gạch vuông được dùng để làm bao nung, chứa các món đồ gốm khác khi được nung trong lò. Sau 3 lần nung gạch trở nên cứng, được gọi là ‘gạch da sắt’. Gạch da sắt trên thị trường gọi là gạch Bát Tràng, thường rất được ưa chuộng để lót sân, lót đường.
Bát Tràng và Chu Đậu phát triển song song với nhau, lại cũng không ở xa nhau lắm. Tuy nhiên đồ gốm ở mỗi nơi phát triển theo một đường khác nhau. Đồ gốm Chu Đậu có nghệ thuật cao hơn Bát Tràng, nhưng từ cuối thế kỷ 17, đồ gốm Chu Đậu đã bị Trịnh Tùng huỷ diệït vì dân Hải Dương đã theo nhà Mạc mà chống lại vua quan nhà Trịnh. Một số nhỏ đã dời đến Bát Tràng, tiếp tục nghề cũ nhưng không làm đồ gốm theo kiểu Chu Đậu nữa.
Có thể nói, không có thứ đồ gốm nào mà không được Bát Tràng sản xuất, từ chén bát đĩa, gạch cho đến bình, ấm, thạp, chậu, âu, ang, khay, choé, hũ, nậm rượu, bình vôi, điếu thuốc lào… của sinh hoạt dân gian hàng ngày cho đến các món đồ thờ cúng như chân đèn, chân nến, lư hương, lư trầm, đỉnh thờ, đài thờ, mâm, kiếm thờ, tượng rồng, tượng nghê, tượng hổ, tượng voi, tượng thánh, tượng thần, tượng Phật,… Không có món đồ gốm thường dùng nào trong đời sống mà không được Bát Tràng làm. Với các vật tích còn lại, người ta thấy đĩa, chân đèn, lư hương được làm từ thế kỷ 14, bát chén từ thế kỷ 15, ấm, nậm rượu thế kỷ 16, long đình, tượng thế kỷ 18, tượng, đỉnh, đài thờ thế kỷ 18, bình vôi thế kỷ 18, đặc biệt đến thế kỷ 20 lại xuất hiện thêm loại đài thờ hình chữ nhật.
Gốm Bát Tràng cũng nhiều nước men mầu, trắng ngà, trắng xám, nâu, xanh rêu… Hoa văn phong phú, đủ mọi thể loại, từ hoa lá, muông thú đến các sự tích Trung Hoa. Ghi những niên hiệu nhà Mạc, nhà Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn. Tuy nhiên Bát Tràng thật ra đã góp phần trong nền đồ gốm Lý Trần rực rỡ bắt đầu từ thế kỷ 11 trước đó rồi. Cũng vẫn theo truyền thống đồ gốm Việt Nam cổ truyền, dưới đáy của đồ gốm Bát Tràng thường để trơ đất mộc, không tráng men.
Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến và Nguyễn Quang Ngọc (trong ‘Gốm Bát Tràng – thế kỷ XVI – XIX) còn cho biết thêm: tượng nghê và tượng ngựa xuất hiện từ thế kỷ 17, tượng Phật, tượng rồng hổ xuất hiện từ thế kỷ 18.
Về nước men, Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến và Nguyễn Quang Ngọc viết rằng: ‘TK XIV – XV men nâu chẳng những còn được thể hiện theo phong cách truyền thống mà còn được vẽ theo kỹ thuật men lam, tạo ra một hiệu quả mới lạ. Từ TK XVI đến TK XIX, men nâu còn được dùng trong việc điểm tô thêm cho các đề tài trang trí. Men lam xuất hiện khởi đầu ở Bát Tràng với những đồ gốm có sắc xanh chì đến đen xẫm. TK XVI – XVII tuy không phát triển nhưng men lam còn thấy dùng vẽ hoa lá và điểm thêm vào các phần trang trí nổi. TK XVIII – XIX men lam mới được phục hồi trên gốm Bát Tràng. Men trắng ngà sử dụng trên nhiều loại hình đồ gốm từ TK XVII đến TK XIX. Mặc dù loại men này mỏng, màu vàng ngà bóng nhưng thích hợp với các trang trí nổi tỉ mỉ (đặc biệt là chân đèn, lư hương)
Men xanh rêu được dùng kết hợp với men trắng ngà và nâu tạo ra một dòng “Tam thái” rất riêng của Bát Tràng ở TK XVI – XVII.
Men rạn, là dòng men chỉ xuất hiện tại Bát Tràng từ cuối TK XVI và phát triển liên tục qua các TK XVII, XVIII và XIX’
Tượng nghê thường có men nâu hay men xanh xám, các món khác thường có men trắng ngà, trắng xám, men rạn, men xanh rêu, men nâu, men lam. Hoa văn tứ linh (long ly quy phụng), hổ phù, hoa cúc, cánh sen, nghê, hạc, cúc trúc mai lan, hoa dây, chữ vạn, chữ thọ, chữ phúc, hình người… Sang thế kỷ 19 có thêm các hình cảnh trang trí như ‘ngư ông đắc lợi, bát tiên quá hải, Tô Vũ chăn dê, tam đa (cành quả đào, cành lựu, cành phật thủ), lục bảo (kiếm, thư bút, túi gấm, đỉnh ngọc, đàn, bình lá ngọc)… Ngoài hoa văn do men mầu vẽ cảnh, ta còn thấy hoa văn vẽ bởi men cạo hay hoa văn đắp nổi trên các món đồ thơ như chân đèn, lư hương, nghệ thuật chạm nổi rất tinh tế, chứng tỏ trình độ nghệ thuật rất cao. Đây là nét đặïc biệt của gốm Bát Tràng, trổi vượt hơn hẳn các loại đồ gốm khác, trước đó.
Trên các món đồ cũng thường có minh văn ghi tên họ người đặt hàng, tên họ người làm và năm tháng chế tạo. Niên hiệu thì đủ cả, từ năm Diên Thành, Hưng Trị, Đoan Thái, Sùng Khang thứ 7 (1572) đời nhà Mạc, Vĩnh Trị, Cảnh Thịnh, Cảnh Hưng đời Lê cho đến đời Quang Trung, Gia Long. Như cặp chân đèn làm năm Diên Thành thứ 2 (1579) có ghi tên người đặt hàng là Lê Thị Lộc, hay một chân đèn khác làm ngày 3 tháng 5 năm Đoan Thái thứ 2 (1587) có ghi người chế tạo là Đỗ Phủ cùng vợ là Nguyễn Thị Bản, con trai là Đỗ Xuân Vi cùng vợ là Lê Thị Ngọc làm. Người đặt hàng là Đoan Quân Công Mạc Ngọc Liễn và Phúc Thành công chúa cùng một số người khác. Cũng như các món đồ gốm Chu Đậu, rất nhiều đồ gốm Bát Tràng ghi tên đàn bà chế tạo hay đặt hàng, chứng tỏ thêm rằng người đàn bà trong xã hội cổ Việt Nam rất được coi trọng, khác hẳn tục trọng nam khinh nữ của xã hội Trung Hoa, Nhật Bản…
Mới đây Chu Đậu đã bắt đầu làm đồ gốm trở lại và cũng rất nổi tiếng về phẩm chất cao, rất được dân chúng ưa chuộng, mua dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó suốt từ xưa đến nay Bát Tràng vẫn tiếp tục sản xuất chén đĩa, bình ấm… cho nhu cầu trong nước, kéo dài một truyền thống đã khởi đầu từ hơn 10 thế kỷ trước. Tuy rằng so với Chu Đậu, nước men Bát Tràng không mịn bằng, hoa văn lại khá lem luốc.
Làng Bát Tràng hiện nay lớn hơn và ở ngay cạnh làng cũ đãï bị phù sa chôn vùi, trở nên một trung tâm sản xuất đồ gốm quan trọng. Có thể nói Bát Tràng là trung tâm sản xuất đồ gốm lâu đời nhất ở Việt Nam. Một trung tâm văn hóa chính yếu. Từ miền bắc Việt Nam, hy vọng rằng đồ gốm Hải Dương, đồ gốm Bát Tràng sẽ được bán rộng ra toàn quốc và xuất cảng đi khắp nơi làm rạng danh truyền thống đồ gốm tốt đẹp quê nhà.
-------------
Theo: "Việt Văn Mới"

Không có nhận xét nào: