Một tác phẩm của Đặng Huyền Thông dưới triều Mạc

Thomas Ulbrich - Bùi Kim Đỉnh

Ông tú Đặng Huyền Thông (tên tự là Đặng Mậu Nghiệp) sống vào nửa cuối triều Mạc (thế kỷ XVI) ở làng Hùng Thắng, nay là xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (cách Bát Tràng khoảng 60km về phía tây). Cùng với vợ mình là Nguyễn Thị Đỉnh, ông được biết đến là một thợ làm gốm tại làng Hùng Thắng trong những năm 1580 - 1590, theo những ghi chép trên các tác phẩm của ông được tìm thấy cho đến nay. Có thể là trước và sau thời kỳ này ông cũng làm gốm, nhưng chưa tác phẩm gốm nào được phát hiện. Trình độ học vấn của ông đã giúp ông trở thành một người thợ gốm tài hoa.
Ông làm gốm theo đặt hàng của Phật tử và những quý tộc cung đình triều Mạc. Sản phẩm của ông thường là chân đèn, lư hương và các bình hoa trong chùa, miếu. Trong số đó, có một tháp gốm cao 13cm ở chùa Minh Phúc (Hải Phòng) cũng được TS. Nguyễn Đình Chiến (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội) cho là tác phẩm của Đặng Huyền Thông. Nghệ nhân gốm Đặng Huyền Thông không bao giờ sản xuất gốm với mục đích xuất khẩu như các lò gốm khác ở Chu Đậu. Các tác phẩm của ông không sản xuất với số lượng nhiều và hàng loạt mà thay vào đó là những sản phẩm đơn chiếc hoặc trọn bộ.
Trên bàn thờ Phật, thông thường có một bộ ba gồm một bát hương và hai chân đèn gọi là tam sự hay bộ tam sự. Do đó, những bộ chân đèn của Đặng Huyền Thông được làm để đặt ở hai bên bát hương ở trên ban thờ. Theo con số thông kê của Nguyễn Đình Chiến thì số lượng chân đèn tìm thấy được nhiều gấp ba lần lư hương (Nguyễn Đình Chiến, Cẩm nang đồ sứ có minh văn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 1999, tr. 146)



Trong bài này viết này, chúng tôi nói về một chiếc lư hương cao một cách khác thường (53cm) và gần như nguyên vẹn (Ảnh 1 và ảnh 2), (Lư hương này đã được Nguyễn Đình Chiến đề cập đến và mô tả khá chi tiết trong bài “Thêm những đồ gốm có minh văn Việt Nam thế kỷ XVI”, Thông báo Khoa học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 1999.)
Trên bốn tai lư có khắc chìm bốn dòng chữ Hán như sau:
    正月 (Diên Thành thất niên chính nguyệt: Tháng Giêng năm Diên Thành thứ 7). (Đây là niên hiệu dưới triều vua Mạc Hậu Hợp, từ năm 1578 đến 1585. Diên Thành nghĩa là “kéo dài sự thành công”, là niên hiệu thứ 3 trong sáu niên hiệu khác nhau mà vị vua này sử dụng trong thời gian trị vì. Tháng Giêng, năm Diên Thành thứ 7 tương ứng với mùa xuân năm 1584.)
      + 造 (Chữ  này nằm trên một trong hai dải quai lớn, phía dưới phần vẽ rồng) (Hùng Thắng xã Đặng Huyền Thông + tạo: Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng chế tạo).
      (Sãi vãi thái lão thiện tín: Ông sãi, bà vãi, các bậc cao niên, thiện nam tín nữ).
     (Đại tiểu đẳng tín thí: Người lớn, kẻ nhỏ cùng thành tâm dâng cúng). 
Ngoài ra còn có những ký tự khác lớn và nổi bật xung quanh lư hương: 佛 (Phật) - 降 (Giáng) - 福 (Phúc) và chữ 三 寶 (Tam bảo) xuất hiện ở chính giữa lư hương, hai bên là hai con rồng uốn lượn. (三 寶 (Tam bảo) là “Ba ngôi báu”, ba cơ sở chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng, tức là “bậc giác ngộ”, “giáo pháp của bậc giác ngộ” và “những người bạn đồng học”. Người có niềm tin kiên cố nơi Tam bảo được gọi là bậc Dự lưu (vào dòng). Người Phật tử biểu lộ sự tin tưởng bằng cách quy y Tam bảo (Tam quy y). Trong mười phép quán Tùy niệm, ba đối tượng đầu tiên là Tam bảo. Ý nghĩa của Tam bảo được hiểu rộng hơn theo truyền thống Đại thừa. Trong các buổi giảng dạy về Thiền, đặc biệt sau các chương trình Tiếp tâm, quán Công án, các thiền sinh được hướng dẫn vào lối nhìn Tam bảo của Đại thừa).
Tuy nhiên, những thông tin trên lư hương không tiết lộ một chi tiết nào về xuất xứ của lư hương.
Một lần nữa, tên của Đặng Huyền Thông nổi lên như một nhà sản xuất đầy tự hào cùng với những Phật tử dâng cúng vào tháng Giêng năm 1584. Tuy nhiên, chỉ có tên ông được viết lên trên lư hương, tách rời khỏi chữ 造 (tạo), dường như muốn nói rằng trong trường hợp này, ông là người đại diện cho những Phật tử cúng dường được viết một cách chung chung: (Ông) sãi, (bà) vãi, các bậc cao niên, thiện nam tín nữ... Không rõ đây là một dịp cúng dường đặc biệt nào: vào dịp đầu xuân hay một sự kiện đặc biệt nào đó.
Lư hương này mang phong cách và những kỹ thuật điển hình của Đặng Huyền Thông tương tự như chiếc lư hương ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội có niên đại 1582, phủ men lam xám.


Trang trí bên ngoài lư hương trông như có bốn màu, mặc dù thực tế chỉ có ba màu: lam xám, màu nâu ở chân và màu vàng đậm ở phía trên phần trang trí rồng. Các chữ Hán to, viết theo lối thư pháp:  (Phật) -  (Giáng) -  (Phúc) -   (Tam bảo) (Các ảnh 3, 4 và 5) được in nổi trên thân gốm, tuy nhiên lại không phủ men. Hiệu quả đặc biệt này có được do sắc đỏ của xương gốm làm cho các Hán tự nổi bật hẳn lên. Những ký tự chính được viền men lam xám xung quanh, do vậy, màu đỏ của đất nung nổi lên tương phản như một thông điệp đập vào mắt của đồ thờ trong bóng tối của một ngôi chùa. Truyền thống gốm này dựa trên những kỹ thuật men lam và men màu nâu rỉ sắt truyền thống ở khu vực lò ChuĐậu. Đặng Huyền Thông đã kế thừa truyền thống này nhưng ông đã tạo ra một loại gốm mới với sắc lam xám của riêng mình.


Phong cách trang trí trên gốm của Đặng Huyền Thông thường có những dải hoa, trang trí hình học và những motif hài hoà tương tự những hoạ tiết hình chữ V, răng cưa và giống như những motif trên đồ đồng Đông Sơn và các bình lọ khác. Thậm chí phần bụng phình ra của lư hương còn trông giống như hình trống đồng úp ngược.
Sáu con rồng ấn tượng được chạm nổi bên ngoài thân. Chúng không chỉ đơn thuần là để trang trí. Trên một lư hương khác có niên đại vào cuối thế kỷ XVI, chúng ta có thể đọc được dòng chữ: “Có hình rồng để làm triện....”.(Nguyễn Đình Chiến - Phạm Quốc Quân, 2000 năm gốm Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 2005, tr.74-75). Điều đó chứng tỏ sự góp mặt của trang trí hình rồng trên gốm như một dấu hiệu của những thông điệp có giá trị.


Trên bốn chân phủ men nâu của lư hương, chúng ta thấy có bốn đầu nghê () (Ảnh 6). Con vật xuất hiện trong trang trí ở hầu hết các nước châu Á này là có thể là con sư tử hay con ngựa huyền thoại. Nó được sử dụng như một con vật canh giữ cho các đền, chùa để đảm bảo cho sự bình yên.
Lư hương trong các ngôi đình, chùa thường là nơi dễ bắt lửa nhất. Trong những ngày giỗ chạp, bát hương đầy những chân và tàn hương âm ỉ rất nguy hiểm. Con nghê đóng vai trò như một con vật chống cháy, một con vật thích “nuốt lửa và ngậm khói” được gắn vào bát hương.
Theo TS. Tăng Bá Hoành (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương) thì có khoảng 24 tác phẩm của Đặng Huyền Thông được biết đến trong các sưu tập tư nhân và bảo tàng ở Việt Nam. Ngoài ra còn có một số mảnh và tiêu bản bị vỡ.


Cho đến nay, có hai tiêu bản có niên đại và dấu ấn của Đăng Huyền Thông ở nước ngoài: Một lư hương trước kia thuộc sưu tập của TS. Jochen May (CHLB Đức) nay thuộc về một sưu tập tư nhân ở Mỹ và chiếc lư hương được giới thiệu trong bài này thuộc về một sưu tập tư nhân ở Seoul (Hàn Quốc).
Các tác phẩm của Đặng Huyền Thông là một trường hợp đặc biệt trong bối cảnh lịch sử gốm sứ châu Á bởi những giá trị hàng đầu của chúng về kích cỡ to, men đa sắc, các ký tự chạm nổi hay khắc chìm bên ngoài thân. Với vai trò là những sáng tạo đơn chiếc, các ký tự đã mang lại cho chúng ta những đầu mối về cấu trúc xã hội của con người qua vị trí của họ cũng như những con người và địa danh lịch sử. Người thợ gốm không ký tên mình trực tiếp lên đáy gốm hoặc giấu đi ở một chỗ khuất nào đó mà tên của ông được viết rõ ràng và đầy tự hào ngay ở phần trang trí bên ngoài. Tập quán này dường như đã trở thành phổ biến ở miền Bắc Việt Nam ở các thế kỷ XVI - XVII.
Là một người có học thức ở địa phương, người thợ gốm họ Đặng yên vui với sự mến mộ của người đương thời. Dấu vết về cuộc đời ông có thể tìm thấy ngay ở quê hương ông. Gần đây, một ngôi đền tưởng nhớ ông đã được bảo tàng tỉnh Hải Dương và nhân dân xã Minh Tân xây dựng vì niềm tự hào đối với ông. Tên tuổi ông đã được tìm thấy trên một bia đá dựng ở bên phải cửa đền (bia này được tìm thấy gần đó và được về dựng cạnh đền) (Ảnh 7). Bia có ghi rằng người thợ gốm Đặng Huyền Thông và vợ là Nguyễn Thị Đỉnh đã soạn văn bia này và năm 1588 và quyên góp xây dựng chùa An Đinh (nay không còn nữa). Mộ chí của ông hiện nay vẫn đang được dân làng và dòng họ thờ tự ở làng quê, mặc dù ngôi mộ này chưa bao giờ được xác minh cụ thể ở nơi nào.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy một tác phẩm gốm nào của Đặng Huyền Thông được sản xuất sau năm 1590, vào cuối triều Mạc.
Đặng Huyền Thông là một nghệ nhân gốm nổi tiếng vào thời đó. Ông sản xuất những sản phẩm đơn chiếc của mình theo đặt hàng của những người dân làng và các vương tôn thời đó. Các sản phẩm lư hương và chân đèn của ông chủ yếu được sản xuất dưới triều Mạc, khi rất nhiều hoàng tử và công chúa đã công đức tiền xây dựng và sửa sang chùa chiền. Các vương tôn của hoàng gia đã trực tiếp đặt hàng gốm và để lại tên tuổi mình trên đồ gốm.


Ở Dương Kinh (Hải Phòng) thủ phủ của nhà Mạc cũng tìm thấy một số mảnh gốm của Đặng Huyền Thông. Điều này cho thấy Đặng Huyền Thông đã được tôn là bậc thầy về nghệ thuật gốm phục vụ cho các Phật tử ở mọi tầng lớp: từ thường dân, quý tộc địa phương cho đến hoàng tộc. Điều này cho thấy ông đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thủ công truyền thống trong lịch sử gốm sứ Việt Nam thế kỷ XVI.
Chúng ta còn biết gì về cuộc đời và nơi chốn của nghệ nhân họ Đặng?
Quê hương Hùng Thắng và lò gốm của nghệ nhân họ Đặng nằm ở ngay cạnh làng quê của Mạc Hậu Hợp. Sử chép rằng quân Trịnh truy sát nhà Mạc vào mùa đông năm 1592 - 1593, vương triều này đã phải lánh nạn lên tận Cao Bằng (một tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam). Khi quân Trịnh kéo đến, họ đã triệt phá nhiều vùng ở Hải Dương trong đó có cả phủ Nam Sách, thậm chí họ còn bắt cóc cả thái hậu của nhà Mạc mang về Thăng Long, không may bà này đã chết trên đường ở bến Bồ Đề (Gia Lâm ngày nay) (Viện Khoa học Xã hội, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 175-177). Cũng từ đây, dấu vết của nghệ nhân Đặng Huyền Thông biến mất, ngay cả ngày mất của ông cũng không ai rõ. Chỉ biết rằng một thời gian sau đó, một nghệ nhân gốm họ Đặng khác nổi lên với những tác phẩm mang phong cách tương tự với cái tên Đặng Huyền Không (Theo thông tin do TS. Tăng Bá Hoành trực tiếp cung cấp) Phải chăng đó chính là hậu duệ của Đặng Huyền Thông muốn lưu giữ nghề tổ của mình?!
T.U. - B.K.Đ.
Nguồn: "Cổ vật Huế"

Không có nhận xét nào: