GỐM VIỆT NAM Ở NHẬT BẢN


TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Năm 1992, Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, tổ chức triển lãm Gốm Việt Nam, giới thiệu 133 món đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 18, huy động từ 13 bảo tàng trên khắp Nhật Bản. Triển lãm mở cửa từ ngày 29.9 đến ngày 6.12, được đánh giá là cuộc triển lãm quy mô nhất về đồ gốm Việt Nam từ trước đến nay ở Nhật Bản.

Lọ gốm hoa lam thời Lê, trang trí đề tài long truy, thế kỷ 16 - 17, hiện vật của Bảo tàng gốm sứ Kyushu.
Năm 1996, Bảo tàng Gốm sứ Kyushu mở cuộc triển lãm Gốm sứ xanh trắng của thế giới,quy tụ 249 món gốm sứ thuộc dòng đồ thanh họa của: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Iran, Hà Lan và Đức. Trong đó, Việt Nam góp mặt 10 cổ vật thuộc hai dòng gốm: Chu Đậu và Bát Tràng. Đáng chú ý là tất cả những món đồ gốm đưa ra trưng bày trong cuộc triển lãm này là tài sản của các bảo tàng Nhật Bản.

Bình tích đựng nước hình con voi, gốm Chu Đậu, thế kỷ 16, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida.

Bình tích đựng nước hình cá cõng tôm, gốm men ngọc, thế kỷ 16 - 17, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.

Năm 1997, Nhật Bản phối hợp với Trung Quốc và Hàn Quốc, tổ chức cuộc triển lãm lưu động mang tên Những chiếc đĩa lớn, ở 3 thành phố: Osaka, Masuda và Tokyo, giới thiệu những chiếc đĩa làm bằng gốm sứ kích thước lớn. Ngoài những chiếc đĩa đến từ các bảo tàng của Trung Hoa và Hàn Quốc, còn có 3 chiếc đĩa gốm Chu Đậu góp mặt trong cuộc triển lãm này. Khi nghe một người bạn Nhật ở Matsue thông báo có 3 chiếc đĩa gốm của Việt Nam tham gia triển lãm này, tôi liền mua vé tàu đến Masuda xem triển lãm. Cứ tưởng 3 chiếc đĩa này do một bảo tàng nào đó ở Việt Nam cho mượn, hóa ra đó là cổ vật của Bảo tàng thành phố Machida, nằm ở ngoại ô Tokyo.

Chân đèn gắn bát nhang thời Mạc, cuối thế kỷ 16
Bình tì bà, trang trí hoa cỏ, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng gốm sứ Kyushu.

Từ Masuda trở về Matsue, nơi tôi đang học tập, tôi lên kế hoạch đi thăm các bảo tàng ở Fukuoka, Kyushu và Machida, những nơi đã tổ chức rất thành công các cuộc triển lãm về gốm Việt Nam. Đó quả là một chuyến đi thú vị. Tại Bảo tàng thành phố Machida, tôi làm quen với cô Yajima, quản thủ kho gốm sứ của bảo tàng này, người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài gốm Việt Nam thời Lê ở ĐH Tokyo. Tôi được xem tất cả đồ gốm Việt Nam đang lưu giữ nơi đây.

Ấm tích, gốm men ngọc, thế kỷ 13, hiện vật của Bảo tàng gốm sứ Kyushu.

Theo lời TS. Yajima, phần lớn những món đồ gốm Việt Nam trong bảo tàng này là quà tặng của một nhà sưu tập tên là Yamada Yoshio. Ông là thương gia kiêm sưu tập gia, từng sang làm ăn, buôn bán ở các nước Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam từ trước thế chiến II và đã sưu tập được nhiều đồ gốm sứ các xứ này mang về Nhật Bản. Trước lúc qua đời ông đã hiến trọn bộ sưu tập này cho Bảo tàng thành phố Machida, quê hương của ông. TS. Yajima cho biết thêm khoản 20 bảo tàng ở Nhật Bản có sưu tập đồ gốm Việt Nam nhưng những món đồ quý nhất phần lớn thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng Gốm sứ Kyushu. Tại các bảo tàng này có các cổ vật thuộc các dòng gốm Việt Nam thời Bắc thuộc; gốm men ngọc thời Lý - Trần; gốm hoa nâu thời Lý - Trần; gốm hoa lam thời Lê; gốm xanh trắng và gốm màu Chu Đậu, gốm thời Mạc và một số đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn... Nhờ vào nguồn hiện vật của các bảo tàng này, Yajima đã hoàn thành luận án tiến sĩ về gốm Việt Nam thời Lê mà không cần phải đến Việt Nam nghiên cứu.

Đĩa gốm Chu Đậu, trang trí kỳ lân, thế kỷ 15 - 16, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida.

Đĩa gốm Chu Đậu, trang trí đề tài song điểu, thế kỷ 15 - 16, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.

 Đĩa gốm Chu Đậu, vẽ hoa và chim phượng, thế kỷ 15 - 16, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.


Đĩa gốm Chu Đậu, trang trí đề tài hoa điểu, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida.

Đĩa gốm hoa lam, trang trí đề tài ngư tảo, thế kỷ 15 - 16, hiện vật của Bảo tàng gốm sứ Kyushu.

TS. Yajima viết thư giới thiệu tôi với các quản thủ ở Bảo tàng Gốm sứ Kyushu và Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka. Rời Tokyo, tôi tiếp tục hành trình đến Kyushu và Fukuoka và được xem hầu hết những món đồ gốm Việt Nam đang lưu trữ tại các bảo tàng này. Phần lớn những hiện vật ở đây đều tuyệt hảo và toàn bích, do các bảo tàng này mua được trong những cuộc bán đấu giá cổ vật ở Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ, hoặc do các nhà sưu tập hảo tâm hiến tặng.

 Kendi gồm hoa lam, vẽ hoa sen và dây lá liên hoàn, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.

Liễn gốm men ngọc, khắc chìm hoa văn hình cánh sen, thế kỷ 13 - 14, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.

Cần lưu ý rằng vào thời điểm này, con tàu đắm Cù Lao Chàm chưa được khai quật, đồ gốm Chu Đậu chưa được biết đến nhiều như sau này, vì thế, có được món đồ Chu Đậu toàn bích từ dáng kiểu đến men màu là điều đáng khâm phục. Trong số đó, có những món đồ tôi chưa hề gặp ở trong nước, nhưng đã có dịp chiêm ngưỡng nơi các bảo tàng của xứ Phù Tang.
Nhân đây, tôi xin giới thiệu với độc giả Cổ vật tinh hoa một số đồ gốm Việt Nam hiện hữu trong những bảo tàng Nhật Bản mà tôi đã có cơ hội chiêm ngưỡng.
-------------
Theo: "Cổ vật Huế"

Không có nhận xét nào: