Với “vốn” lận lưng khoảng 70 bài men gốm cổ, Trần Độ được mệnh danh là “vua men gốm cổ” Bát Tràng, một "phù thủy" trong việc phủ "màu thời gian" cho gốm. Nhưng để có được thành quả đó, anh đã phải đánh đổi bằng cả tuổi trẻ của mình với khoảng 20 năm lăn lộn kiếm tìm.
Gia đình nghệ nhân Trần Độ và Đại tường Võ Nguyên Giáp
Trần Độ trầm ngâm ngắm nghía những bình,
lọ, lư hương với đủ sắc men, hình khối được bày biện từ trong nhà ra ngoài
xưởng gốm của mình, thả từng vòm khói thuốc cuộn tròn và miên man về miền ký ức.
Sinh ra và lớn lên ở Bát Tràng, làng
gốm có lịch sử trên 500 năm làm gốm, ngay từ thủa thiếu thời, Trần Độ đã va
chạm với gốm. Mười tuổi, lứa tuổi mà tụi trẻ trong làng vẫn còn đang mải mê
chơi bi, đánh đáo thì anh đã theo bố mẹ vào các xí nghiệp, công xưởng, làm
những việc cỏn con như bưng bê lọ hoa, bình nước. Rồi cậu mon men làm gốm, từ những
vật rất thô sơ như cái cốc, cái chén, chiếc bát.
Mười ba tuổi, Độ đã thuần thục nghề gốm
và có thể tự mình làm ra những sản phẩm có thể bán được. Khi ấy, tâm trí của
cậu bé Độ không chú ý đến men mà bị hấp dẫn bởi hình khối. Cậu mê mẩn với những
chiếc bình gốm cỡ lớn mà các anh, các chị, các bác, những người thợ giỏi trong
làng mới làm được.
Cơ duyên đến khi Trần Độ được vào làm
trong phòng chế thử của xí nghiệp gốm. Ở đó, các nghệ nhân vừa làm, vừa được
nghiên cứu, sáng tạo để cho ra những sản phẩm mới lạ về kiểu dáng, phong phú về
màu men. “Đó là khoảng năm 1984, niềm say mê với những thử nghiệm của mình cũng
bắt đầu từ đó,” Trần Độ vừa nhâm nhi chén trà nóng, vừa tủm tỉm cười khi nghĩ
về những ngày tháng bắt đầu bị “bỏ bùa” bởi men cổ.
Những dịp đi công tác đây đó, đến các
đình chùa miếu mạo, tham dự các triển lãm đồ cổ, Trần Độ như mê đi trước những
màu men của tiền nhân. Men ngọc, men nâu thời Lý, men hoa lam thời Mạc… Và anh
bắt đầu cuộc chinh phục men xưa.
Nhưng để thực hiện lại là cả một quá trình.
Trần Độ vẫn còn nhớ những ngày tháng anh như kẻ gàn, lạc nhịp giữa những tất
bật của Bát Tràng vào mùa gốm mới, khi người ta đổ xô sang làm những mặt hàng
bóng bảy mang tính thị trường. Những thử nghiệm thất bại, những bình, lọ, lư
hương thô ráp. Trong khi những xe hàng của người làng cứ đến, đi nườm nượp thì
hàng của anh không bán được, kinh tế gia đình khó khăn hơn. Không ít người điều
ra tiếng vào, cho anh là khùng, là lạc hậu.
Nhưng khó khăn ấy đã không làm Trần Độ
nản chí. Anh vẫn quyết tâm biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Để rồi, theo
thời gian, những bí mật trong các bài men dần được vén lên. “Bí quyết tất cả là
ở đây!” Trần Độ vừa nói, vừa chỉ vào chiếc bình men ngọc trắng ngà, nói: “Men
ngọc chính là gốc của các loại men, từ đó mình gia giảm thêm là có thể ra các
loại men khác nhau.”
Bây giờ, anh đã là “vua men gốm cổ"
ở Bát Tràng với hơn 70 bài men khác nhau. Những màu men từng thách thức biết
bao thợ gốm như màu hoàng lưu ly, tím lưu ly, những men chỉ được dùng trong
hoàng cung xưa, nay cũng đã được anh khôi phục.
Tiếng lành đồn xa, từ năm 2003, Trần Độ
đã được Văn phòng Chính phủ mời làm các sản phẩm gốm để tặng các nguyên thủ
quốc gia, bạn bè quốc tế trong các hoạt động ngoại giao. Hàng trăm sản phẩm của
Trần Độ đã theo những chuyến bay đi khắp năm châu.
Năm 2010, Trần Độ cũng tham gia phục chế
hàng chục sản phẩm thạp gốm hoa nâu triều Trần làm quà tặng các quan chức cấp
cao tham gia Hội nghị ASEAN 16.
Trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long –
Hà Nội, với triển lãm 500 cổ vật gốm qua các thời đại tại Văn Miếu Quốc Tử
Giám, Trần Độ đã tái hiện một cách sống động cả lịch sử nghìn năm thăng trầm
của gốm sứ Việt Nam. Theo kế hoạch, Triển lãm chỉ diễn ra 10 ngày, nhưng do có
rất nhiều khách đến nên Ban quản lý Văn Miếu đã đề nghị anh trưng bày thêm một
tuần nữa.
Cống hiến đặc biệt nhất của Trần Độ cho
Thủ đô dịp này phải kể đến phiên bản Cụ Rùa Hồ Gươm bằng gốm, nặng gần 4 tấn và
được nung ở nhiệt độ 1.300 độ C. Sau khi làm lễ trình Thành hoàng làng, Tổ nghề
gốm Bát, phiên bản linh vật thần Kim Quy đã được rước về Hà Nội trong không khí
trang trọng, tưng bừng và được đặt ở bên bờ Hồ Gươm.
“Trong Đại lễ, những dòng người tấp nập
lại qua, ai cũng dừng lại để ngắm nghía và chụp ảnh cùng ‘cụ Rùa.’ Có khi đến
hai giờ sáng, mọi người vẫn dừng lại để chụp ảnh. Lúc đó tôi cảm thấy rất hạnh
phúc, tự hào khi những cố gắng của mình đã được mọi người đón nhận,” nghệ nhân
Trần Độ chia sẻ.
Anh bảo, phiên bản cụ Rùa và men cổ đều
là hiện thân của văn hóa Việt Nam, và tham vọng của anh là qua gốm, giới thiệu
văn hóa Việt Nam đến mọi miền. Dừng chân bên những quầy hàng san sát giữa chợ
gốm, với những sản phẩm phong phú đủ màu sắc, kiểu dáng, Trần Độ chợt chùng
giọng: “Tôi mong rằng mình sẽ truyền lại được những bài men cổ cho những ai
thật sự yêu nghề. Các cụ ngày xưa hay giữ bí truyền cho nên thế hệ con cháu như
tôi đã mất hàng chục năm tìm kiếm. Tôi muốn thế hệ sau sẽ phát triển hơn nữa
những cái mình đã tìm thấy thay vì phải tìm lại những cái đã có như tôi.”.
Các bài khác:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét