Nghệ nhân Trần Độ

Làng gốm Bát Tràng cách trung tâm Hà Nội hơn 10km. Bất cứ ai ở ngôi làng 500 năm tuổi này cũng đều biết làm gốm, nhưng bậc “phù thủy” của Đất - Nước và Lửa - ba đại lượng trong phương trình của gốm thì phải kể đến Trần Độ - một trong những tài hoa giữ hồn gốm cổ…

 Nghệ nhân Trần Độ

Thế hệ thứ 18 của dòng họ “kiếm cơm từ đất”
Trần Độ sinh năm 1957, là thế hệ thứ 18 của dòng họ Trần làm gốm ở Bát Tràng. Ngay từ năm lên 10 tuổi, ông đã tỏ ra là người có duyên với đất khi mày mò tự mình làm ra những đồ vật bắt mắt, khiến ngay những người thợ cao niên cũng phải kinh ngạc.
Năm 1975 ông vào làm công nhân xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng. Sau hai năm, ông lên đường nhập ngũ, năm 1982 ra quân ông trở về công tác tại Xí nghiệp sứ Bát Tràng sau đó là HTX Ánh Hồng, ông từng được cử đi 6 tỉnh phía Nam công tác để nghiên cứu về gốm sứ. Năm 1989, ông quyết định mở lò sản xuất các sản phẩm gốm theo đường lối riêng của mình.
Trần Độ là tác giả của 80 món quà tặng, gồm những sản phẩm phục cổ, giả cổ, trong đó có một chiếc bình rượu cổ triều Mạc mà Văn phòng Chính phủ đặt làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10-2004. Một năm sau đó, ông là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Những “món đồ đất có hồn” này sau đó đã theo chân Thủ tướng Phan Văn Khải sang Hoa Kỳ, Canada làm quà cho các chính khách nước sở tại. “Đó không chỉ là niềm tự hào gốm truyền thống Bát Tràng mà còn khẳng định một sức sống mãnh liệt ẩn dưới lớp áo cứ ngỡ là vô tri của đất… ” – Trần Độ nói. Lò gốm của ông đã từng được đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước như nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng...

“Ông vua men gốm”
Người làm gốm tài danh của Bát Tràng, mỗi người làm gốm đều có sở trường khác nhau. Có người chú ý nhiều về đường thẳng, tam giác, so le, cắt vát làm sao cho nước men sáng mầu, ít vẽ trang trí. Có người lại rất chú ý đến những loại men mới, kiểu tráng men hai lớp khác nhau trong một sản phẩm hoặc cho ra những đồ gốm thô, gốm men chảy…
Trần Độ chọn cho mình một lối đi riêng, không hề đơn giản: tìm tòi phục chế những hình khối, màu men cổ.
Đến nay, trong gia tài Trần Độ đã có được trên 70 bài men cổ. Riêng dòng men ngọc, ông có tới mười hai công thức khác nhau, tạo ra 12 biến tấu của loại men này. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen... Men nâu là mầu nâu trầm rất lạ chưa thấy có ở Bát Tràng. Dùng những bài men đó, ông đã tái phục chế lại hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê như lư hương, chân đèn, bình, lọ, chum, choé, bát đĩa được thể hiện qua các lớp men rạn, men chảy các màu trắng, nâu, xanh ngọc... mà vẫn giữ được những hoa văn cổ xưa, chất men giản dị và thanh thoát. Hơn 50 hiện vật ông phục chế đều đã cung tiến cho Ban Quản lý di tích đền Hùng (Phú Thọ), Đền Đô (Bắc Ninh), Đền Cổ Loa, Khu Di tích vua Lê, và Trung tâm Hoạt động Văn hoá - Khoa học Văn Miếu (Hà Nội).
Nếu như men ngọc, được các khách hàng châu Âu vô cùng ưa chuộng, thì cách đây 10 năm, qua cuộc triển lãm gốm Việt - Nhật tại Hà Nội với men nâu ông cũng đã dành được nhiều hợp đồng với các doanh nhân người Nhật. 150 mẫu sản phẩm phục chế hình khối, màu men cổ của ông đã được những khách hàng người Nhật tiếp tục mang đi giới thiệu ở các nước khác. Nói như Trần Độ: “Gam màu trong bức tranh văn hóa của Bát Tràng đã được góp phần nhỏ tạo nên những ấn tượng trong lòng những người nước ngoài về một thứ sản phẩm văn hóa được con người thổi hồn vào đất…”.
Với Trần Độ, men không chỉ được tạo ra từ tháng ngày lao động miệt mài mà có những bài men được chắt ra từ “máu và nước mắt”: Nó được chắp nối từ những ý tưởng chập chờn trong lúc tỉnh, lúc mơ, như một thứ sắc màu của ảo ảnh, phải nhìn bằng con mắt của cõi “tâm” mới thấy hết được những cao siêu, thoát tục của nó. Và trong ngôn ngữ men của Trần Độ điều mà nhiều người cảm nhận được là màu sắc của Phật giáo. Đó là một thứ ngôn ngữ trần tục đấy mà thoát tục đấy, rõ là sắc màu của đời thường mà cũng chập chờn như của cõi hư vô…
Trần Độ chia sẻ: “Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long lập nghiệp. Bát Tràng tuy là ngoại thành nhưng là một dải đất quý của Thăng Long, nơi đây mang một thứ mà nội đô không có ấy là thứ đất sét trắng làm nên những sản phẩm chất chứa hồn cốt bao đời của văn hóa Thăng Long. Một số thợ gốm Bồ Bát đã di cư ra đây cùng họ Nguyễn Ninh Tràng lập lò gốm, gọi là Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng)”.
Giờ đây, trang mới của gốm Bát Tràng được đánh dấu bằng sự xuất hiện của những chiếc lò nung bằng gas vừa giải quyết nạn ô nhiễm môi trường vừa kiểm soát được nhiệt độ - khâu được xem là có tính chất quyết định “phép nhiệm màu” của men. Nhưng dù có hoán cải gì, thì men gốm Bát Tràng vẫn mãi giữ được hồn cốt của mình bởi những con người tâm huyết như nghệ nhân Trần Độ.

Trần Độ giành Huy chương "Bàn tay vàng" do Liên hiệp HTX Thủ công nghiệp trung ương tặng năm 1990; Giải thưởng Đôi bàn tay vàng của Hội Mỹ thuật Đông Dương (1999). Giải thưởng Hà Nội vàng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cùng ban tổ chức Hội chợ Doanh nghiệp VN hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội phong tặng (2002); Giải vàng Ngôi sao Việt Nam (Hội Mĩ thuật Việt Nam); Từng tổ chức thành công triển lãm Hành trình về quá khứ là 1 trong 5 thợ gốm trẻ của làng gốm Bát Tràng nhận danh hiệu nghệ nhân do Bộ văn hoá phong tặng...
--------------------

Không có nhận xét nào: